Hội nghị Hội đồng Hiệp hội xi măng Đông Nam Á (AFCM) lần thứ 41 và Đại hội lần thứ 20 tổ chức 02 năm/lần đã diễn ra thành công tại Penang, Malaysia từ ngày 08/11/2017 đến ngày 10/11/2017 với sự tham gia của 78 đại biểu đại diện cho 07 nước thành viên
Hội nghị đã mang đến cho người tham dự một cái nhìn tổng quan nhất về thị trường xi măng các nước trong khu vực và những điểm nổi bật về thương mại và kỹ thuật của ngành sản xuất xi măng, những nội dung nổi bật sau là điểm nhấn của hội nghị hội đồng hiệp hội xi măng Đông Nam Á (AFCM) lần thứ 41 và đại hội lần thứ 20 so với các kỳ họp trước:
+ Dư cung là thực trạng phổ biến của thị trường xi măng các nước trong khu vực, Philippines và Singapore là hai thị trường hiện vẫn đang nhập khẩu xi măng,
+ Nhu cầu xi măng bình quân đầu người của Philippines và Indonesia duy trì ở mức thấp 239-250 kg/người, dự báo nhu cầu xi măng bình quân của Philippines sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới do các chương trình xây dựng của chính phủ, đây được xem là tin vui cho các nhà xuất khẩu xi măng do Philippines là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất và là thị trường xuất khẩu clinke lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Bangladesh,
+Singapore giới thiệu công nghệ xây dựng mới PPVC dự báo tạo ra cuộc cách mạng trong công nghiệp xây dựng,
+ Yêu cầu về kiểm tra chất lượng xi măng nhập khẩu, liệu có nên hay không thực hiện kiểm tra chất lượng xi măng bởi một phòng thí nghiệm ngoài nước nhập khẩu?
09:00 – 12:00 ngày 08/11/2017, hội nghị bắt đầu với cuộc họp của ủy ban thương mại dưới sự điều hành của điều phối viên đến từ Hiệp Hội xi măng Thái Lan – Ông ChomKiet Hankunaseth. Tại cuộc họp, đại diện các đoàn đại biểu trao đổi và cung cấp thông tin, dữ liệu về nhu cầu sử dụng xi măng tại các quốc gia thành viên, cơ hội phát triển xi măng cho các khu vực, thách thức tại các khu vực cũng như chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại các nước.
Theo dữ liệu được báo cáo tại cuộc họp, Việt Nam là quốc gia có sản lượng xi măng cao nhất trong 07 nước của hiệp hội xi măng Đông Nam Á trong giai đoạn 2016-2017 và dự kiến vẫn giữ vị trí đứng đầu trong giai đoạn 2018-2020, trong đó, năm 2017 tổng sản lượng clinke đạt 63 triệu tấn và sản lượng xi măng đạt 75 triệu tấn lần lượt chiếm 33,4% và 34% so với tổng sản lượng clinke và xi măng của các nước trong hiệp hội.
Cũng trong hội nghị, đại diện đoàn Philipine đã trao đổi về nhu cầu nhập khẩu xi măng tại Quốc đảo này trong đó tập trung vào Việt Nam – nơi có lợi thế so sánh về nguồn dư cung xi măng và giá thành cạnh tranh so với các nước trong khu vực (giá xi măng trong nước của Việt Nam hiện tại chỉ cao hơn giá thành của Thái Lan trong 07 quốc gia thành viên).
Kết thúc cuộc họp của ủy ban thương mại, cuộc họp của ủy ban kỹ thuật tiếp tục diễn ra dưới sự điều phối của Ông Darrice Chan – Đoàn Singapore trong buổi chiều cùng ngày 08/11/2017.
Tiêu chuẩn hiện hành đối với xi măng, khí thải trong nước, việc sử dụng các nguồn năng lượng/nguyên liệu thay thế, sử dụng nhiệt khí dư và các yêu cầu về sức khỏe và an toàn là những chủ để chính được nêu ra tại cuộc họp của ủy ban kỹ thuật.
Một số chia sẻ nổi bật của các thành viên:
Đoàn Singapore đã giới thiệu tại cuộc họp một phương pháp xây dựng mới - PPVC (Prefabricated Prefinished Volumetric Construction) – Cuộc chơi về cải tiến công nghệ hỗ trợ khái niệm thiết kế sản xuất và lắp ráp, dự kiến thúc đẩy đáng kể hiệu quả của ngành xây dựng. Từ năm 2014, việc sử dụng PPVC là bắt buộc đối với các dự án căn hộ và chung cư được lựa chọn của khu vực GLS (Khu vực kinh doanh đất của chính phủ).
PPVC giảm thiểu nhu cầu sử dụng xi măng và bê tông trong nước của Singapore và hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng.
Đại diện đoàn Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng đem đến những chia sẻ thú vị và thu hút nhiều quan tâm tại hội nghị kỹ thuật việc phát triển xi măng với nhiệt độ nung thấp, nghiên cứu các chất kết dính geopolymer dựa trên tro bay và xỉ lò –một trong những chủ đề được mong đợi tại Hội nghị kỹ thuật Symposium sẽ diễn ra tại Bandung, Indonesia vào tháng 04/2018.
Một điểm đáng chú ý khác tại cuộc họp của ủy ban kỹ thuật là vấn đề kiểm tra chất lượng xi măng và chất lượng của các phòng thí nghiệm. Đại diện Philipine đặt vấn đề về việc có hay không chấp nhận xi măng nhập khẩu sẽ được kiểm tra chất lượng bởi một phòng thí nghiệm tại nước xuất khẩu hoặc nước thứ ba? Đây cũng là một trong những quan tâm bức thiết của Philipine tại thời điểm hiện tại do việc ban hành các quy định mới của phòng thương mại và công nghiệp nước này lên xi măng nhập khẩu. Trả lời từ đại diện của đoàn Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng cho rằng xi măng nhập khẩu vào Việt Nam có thể được chấp nhận việc kiểm tra bởi một phòng giám định của nước thứ ba, tuy nhiên phòng thí nghiệm này phải được kiểm tra và xác nhận bởi nước xuất khẩu cũng như cần xem xét tính cần thiết của việc tham dự quá trình kiểm tra chất lượng.
Ngày 09/11/2017, đại hội đồng hiệp hội xi măng các nước và đại hội lần thứ 20 được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch đương nhiệm– Ông Marcelino Ugarte.
Trưởng đoàn của các hiệp hội thành viên lần lượt giới thiệu thành viên đoàn và báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội chung của đất nước, tập trung vào nhu cầu tiêu thụ xi măng, giá thành xi măng trong nước, các cơ hội tại đất nước mình cũng như vai trò, nỗ lực của hiệp hội thành viên đối với ngành công nghiệp xi măng trong nước.
“With the Build, Build, Build program of Philippines Government, the target of Phiplipines’s infrastructure sector growth rate is 6% annually until 2020.”
“The percentage of cement imports coming from ASEAN countries into Philippines: 80% from Vietnam and 20% from countries like China, Indonesia and Taiwan.”
(Nguồn: Ông Ernesto Ordonez – Trưởng đoàn Philipine )
Đại hội đồng kết thúc với việc thông qua tiến trình hội nghị được dự thảo bởi ban soạn thảo.
Đại hội lần thứ 20 kết thúc bằng việc bầu ban điều hành AFCM giai đoạn 2017-2019.
Liên đoàn các nhà sản xuất xi măng ASEAN và được viết tắt là AFCM thành lập năm 1977 gồm 07 thành viên đến từ 07 quốc gia trong khu vực bao gồm: Công ty Liên doanh xi măng Butra Heidelberg Cement, Hiệp hội xi măng Indonesia (ICA), Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Philippines (CeMAP), Hiệp hội xi măng và bê tông Malaysia (C&CA), Hiệp hội xi măng Thái lan (TCMA), Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Singapore (CMAS) và Hiệp hội xi măng Việt nam (VNCA). Sứ mệnh của liên đoàn là tăng cường sự hợp tác giữa các nhà sản xuất xi măng trong khu vực ASEAN; khởi xướng và phối hợp các chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển có trật tự của ngành công nghiệp xi măng trong khu vực ASEAN; thúc đẩy mối quan hệ gần gũi và hợp tác hơn giữa cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong các nước thành viên và với các tổ chức khác trong khu vực và trên thế giới với mục đích và mục tiêu tương tự; thu thập, phổ biến thông tin và cung cấp thiết bị cho việc tham vấn và trao đổi quan điểm giữa các thành viên.
Một số hình ảnh tại hội nghị:

Cuộc họp ủy ban thương mại 09:00 – 12:00 – 08/11/2017 (SC-BD meeting)

Cuộc họp ủy ban kỹ thuật 13:00 – 17:30, 08/11/2017 (SC-TC meeting)

Ban soạn thảo dự thảo tiến trình hội nghị
*Bài viết dựa trên dữ liệu chính thức được báo cáo tại Hội nghị do các Hiệp hội thành viên cung cấp.
Để có thêm thông tin về hội nghị cũng như các tài liệu liên quan, vui lòng liên hệ đội ngũ của chúng tôi tại địa chỉ info@afcm-org.com